Vô sinh hiếm muộn đang có tỷ lệ tăng cao mỗi năm, không chỉ gây cản trở giấc mơ làm cha mẹ, ảnh hưởng đến tình cảm hạnh phúc gia đình mà còn khiến xã hội phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt dân số. Nguyên nhân điển hình nào gây ra tình trạng này? Dấu hiệu ra sao? Phương pháp chẩn đoán, điều trị và phòng ngừa thế nào? Tất cả vấn đề này sẽ được chuyên gia giải đáp trong bài viết sau.
Vô sinh hiếm muộn là gì? Bác sĩ giải đáp
Theo WHO – Tổ chức Y tế thế giới, vô sinh hiếm muộn là thuật ngữ mô tả tình trạng của 1 cặp đôi có quan hệ đều đặn thường xuyên, không sử dụng biện pháp phòng tránh nào nhưng sau 6 tháng (đối với nữ giới trên 35 tuổi) hoặc sau 12 tháng (đối với nữ giới dưới 35 tuổi) vẫn chưa thụ thai tự nhiên.
Dựa vào các tiêu chí khác nhau, bác sĩ phân loại vô sinh hiếm muộn như sau:
Phân loại dựa trên giới tính:
- Vô sinh nam: Đây là hiện tượng nam giới không có khả năng sinh sản do tinh trùng không đủ khỏe mạnh để thụ tinh với trứng tạo phôi thai.
- Vô sinh nữ: Là tình trạng nữ giới không đủ khả năng sinh sản dù đã quan hệ đều đặn từ 6 tháng – 1 năm.
Phân loại dựa trên tính chất:
- Vô sinh nguyên phát: Là tình trạng vợ chồng chưa từng sinh con lần nào, sau 1 năm quan hệ vẫn chưa thể thụ thai dù quan hệ với tần suất đều đặn và không dùng biện pháp phòng ngừa.
- Vô sinh thứ phát: Tình trạng này diễn ra trong trường hợp vợ chồng có tiền sử mang thai ít nhất 1 lần nhưng đã bị sảy hoặc nạo phá thai, sau 1 năm cố gắng quan hệ đều đặn vẫn không thụ thai lại được.
Nguyên nhân nào dẫn đến vô sinh và hiếm muộn?
Có rất nhiều nguyên nhân gây vô sinh hiếm muộn, trong đó, bác sĩ đã phân chia rõ ràng những nguyên nhân từ các phía như sau:
Nguyên nhân do nam giới
Dưới đây là một số nguyên nhân gây vô sinh, hiếm muộn ở nam giới:
- Mắc bệnh về tinh hoàn: Nam giới mắc các bệnh tinh hoàn như xoắn tinh hoàn, ung thư tinh hoàn, viêm tinh toàn hoạc giãn mạch thừng tinh,…
- Tinh trùng có bất thường: Tinh trùng khuyết tật, tinh trùng yếu, tinh trùng không di động,…
- Di chứng từ bệnh lý: Một số bệnh lý gây ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản của nam giới như quai bị, ung thư, có u bướu, xuất tinh ngược dòng, bệnh celiac, viêm đường tiết niệu,…
- Ảnh hưởng sau phẫu thuật: Vô sinh, hiếm muộn ở nam giới có thể do ảnh hưởng sau các cuộc phẫu thuật vùng bẹn hoặc phẫu thuật thắt ống dẫn tinh.,
- Tiếp xúc hóa chất: Làm việc và sinh sống trong môi trường có nhiều hóa chất, điện từ, chất phóng xạ hoặc nơi có nhiệt độ cao sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng sinh sản của phái mạnh.
- Lối sống thiếu khoa học: Đây cũng là nguyên nhân phổ biến mà nam giới thường mắc, chủ yếu do uống rượu bia nhiều, thường xuyên hút thuốc lá hoặc sử dụng chất kích thích, tiêu thụ đồ ăn nhanh, đồ ăn tẩm ướp hương liệu,…
Nguyên nhân do nữ giới
Đối với nữ giới, nguyên nhân chủ yếu làm tăng nguy cơ vô sinh, hiếm muộn bao gồm:
- Do cổ tử cung: Có những bất thường về cấu trúc cổ tử cung, bị viêm nhiễm vùng chậu, u xơ cổ tử cung hoặc chất nhầy kém cũng gây cản trở tinh trùng di chuyển vào trong, ảnh hưởng đến khả năng thụ thai.
- Rối loạn nội tiết, mất kinh: Tình trạng rối loạn nội tiết kéo dài không được điều trị hoặc mất kinh sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình thụ thai của nữ giới.
- Chất lượng trứng kém: Chất lượng của trứng là điều kiện tiên quyết cần đảm bảo để có thể phát triển thành phôi thai sau khi tiếp xúc với tinh trùng. Nếu trứng kém chất lượng sẽ làm gián đoạn quá trình thụ thai.
- Đa nang buồng trứng: Đây là tình trạng buồng trứng xuất hiện nhiều nang nhỏ khiến chu kỳ kinh nguyệt thưa, không đều hoặc rối loạn phóng noãn dẫn tới tình trạng vô sinh.
- Do tuổi tác: Tuổi càng cao thì khả năng thụ thai càng giảm, đồng thời nguy cơ sảy thai càng cao. Vậy nên, càng lớn tuổi tỉ lệ vô sinh hiếm muộn càng gia tăng.
- Nạo phá thai nhiều: Mỗi lần nạo phá thai sẽ khiến nội mạc tử cung mỏng đi, dễ dẫn đến viêm nhiễm, tắc vòi trứng, dính buồng tử cung hoặc bào thai khó làm tổ. Điều này gây tình trạng vô sinh, hiếm muộn.
- Những nguyên nhân khác: Ngoài ra, vô sinh, hiếm muộn ở nữ giới còn do một số nguyên nhân như lạm dụng thuốc tránh thai khẩn cấp, chế độ ăn uống thiếu chất, sinh hoạt không khoa học hoặc ảnh hưởng từ bệnh lý về gan thận, bướu cổ,…
Dấu hiệu của vô sinh hiếm muộn
Ngoài dấu hiệu chung là quan hệ với tần suất bình thường trong thời gian dài cũng không có con được thì do đặc điểm thể chất và cấu tạo bộ phận sinh sản, ở nam giới và nữ giới có sự khác nhau về dấu hiệu của vô sinh hiếm muộn. Cụ thể như sau:
Ở nam giới
- Khả năng tình dục kém, dương vật không thể cương cứng hoặc cương cứng không đủ lâu để quan hệ.
- Xuất tinh sớm, xuất ra ít tinh trùng, không thể xuất tinh hoặc tinh dịch có dấu hiệu bất thường như vón cục, loãng, màu đục, mùi hôi tanh.
- Sưng đau tinh hoàn hoặc sờ thấy khối u tại vùng này.
Ở nữ giới
- Nữ giới có chu kỳ kinh nguyệt thất thường, chậm kinh, rong kinh, thậm chí mất kinh.
- Xuất hiện khí hư màu vàng hoặc có mùi hôi bất thường.
- Bụng dưới bị đau âm ỉ, đặc biệt là khi vận động hoặc khi quan hệ tình dục.
- Tuyến vú kém phát triển – đây là dấu hiệu gián tiếp biểu hiện thiếu estrogen hoặc buồng trứng có vấn đề.
- Cân nặng đột nhiên tăng mất kiểm soát.
Vô sinh hiếm muộn chữa khỏi được không?
Các cặp đôi lo lắng rằng liệu vô sinh hiếm muộn có chữa được không? Các bác sĩ sản khoa cho biết, vô sinh có chữa được hay không sẽ phụ thuộc rất nhiều vào nguyên nhân gây bệnh. Hiện nay với sự phát triển của khoa học – kỹ thuật, đã có rất nhiều trường hợp có thể chữa khỏi và mang thai bình thường nếu được chẩn đoán sớm nguyên nhân, kết hợp phác đồ điều trị cá thể hóa.
Phương pháp chẩn đoán vô sinh hiếm muộn chính xác
Như đã chia sẻ, bệnh vô sinh hiếm muộn có thể điều trị được nếu phát hiện sớm và ứng dụng phương pháp phù hợp. Vậy nên, nếu cơ thể xuất hiện các triệu chứng bất thường kể trên, các cặp đôi cần nhanh chóng đến các cơ sở bệnh viện, phòng khám uy tín để được kiểm tra, chẩn đoán và có hướng chữa trị đúng đắn nhất.
Hiện nay có rất nhiều phương pháp để chẩn đoán tình trạng vô sinh, hiếm muộn. Tùy vào từng trường hợp, tiền sử sinh sản, bác sĩ sẽ chỉ định tiến hành các xét nghiệm khác nhau để chẩn đoán chính xác sức khỏe sinh sản. Các phương pháp chẩn đoán này sẽ có sự khác biệt giữa nam và nữ nhằm đánh giá chi tiết và khách quan nhất, nhờ đó cũng giúp tối ưu hóa thời gian điều trị bệnh.
Đối với nam giới
- Xét nghiệm tinh dịch đồ: Xét nghiệm này vô cùng cần thiết, được thực hiện đầu tiên khi kiểm tra sức khỏe sinh sản cho nam giới, kết quả sẽ cho biết số lượng và chất lượng tinh trùng.
- Xét nghiệm miễn dịch: Đây là xét nghiệm có tác dụng loại trừ các bệnh lây truyền qua đường tình dục gây ảnh hưởng đến khả năng sinh sản.
- Xét nghiệm nội tiết: Nhằm đánh giá chức năng sinh sản và một số vấn đề liên quan khác.
- Xét nghiệm nước tiểu sau khi xuất tinh: Xét nghiệm này sẽ được chỉ định khi bác sĩ nghi ngờ nam giới gặp tình trạng xuất tinh ngược dòng.
- Xét nghiệm di truyền: Xét nghiệm này có tác dụng xác định những bất thường di truyền dẫn đến vô sinh như mất đoạn AZF, hội chứng Klinefelter 47XXY, đột biến gen,…
- Một số phương pháp khác như: Xét nghiệm nhằm kiểm tra đứt gãy DNA tinh trùng, siêu âm ổ bụng, siêu âm tinh hoàn,…
Chẩn đoán ở nữ giới
- Xét nghiệm kiểm tra AMH: Đây là xét nghiệm có tác dụng kiểm tra dự trữ buồng trứng, giúp dự đoán số lượng trứng hiện đang có.
- Xét nghiệm miễn dịch: Nhằm kiểm tra các bệnh lý có thể ảnh hưởng trực tiếp tới khả năng mang thai như HIV, viêm gan B, lao phổi,…
- Xét nghiệm Chlamydia: Bác sĩ chỉ định xét nghiệm này nhằm mục đích kiểm tra nữ giới có bị nhiễm Chlamydia không. Bởi chứng bệnh này sẽ dẫn đến nhiễm trùng, gây viêm dính các cơ quan sinh sản như ống dẫn trứng, tiểu khung,…
- Xét nghiệm tuyến giáp: Giúp sàng lọc bệnh tuyến giáp bởi bệnh này có ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng thụ thai, khiến nữ giới dễ đẻ non, thai lưu, sảy thai hoặc đẻ trẻ nhẹ cân.
- Một số xét nghiệm, siêu âm khác như: Xét nghiệm nội tiết tố FSH, prolactin, LH, P4, E2; Xét nghiệm ung thư vú; Xét nghiệm ung thư cổ tử cung; Siêu âm phụ khoa; Siêu âm đếm nang thứ cấp; Siêu âm bơm nước vào buồng tử cung; Chụp Xquang tử cung vòi trứng; Nội soi buồng tử cung,….
Cách chữa vô sinh và hiếm muộn hiệu quả
Hiện nay, y học liên tục cập nhật các phương pháp điều trị mới, ứng dụng khoa học, kỹ thuật tiến bộ trong quá trình hỗ trợ sinh sản, nhờ đó giúp các cặp đôi thành công chữa trị vô sinh hiếm muộn. Một số phương pháp điều trị được các chuyên gia, bác sĩ đánh giá cao và áp dụng phổ biến hiện nay như:
Sử dụng thuốc hỗ trợ sinh sản
Hầu hết, trong các trường hợp nữ giới bị hiếm muộn giai đoạn đầu sẽ được bác sĩ chỉ định sử dụng các loại thuốc hỗ trợ sinh sản từ 3 – 6 tháng trước khi áp dụng phương pháp khác. Hiện nay có một số loại thuốc được sử dụng rất phổ biến như Clomiphene, Gonadotropins. Các loại thuốc này có khả năng điều tiết hormone sinh sản cho nữ giới và tăng cường phóng thích trứng trong mỗi chu kỳ. Tỷ lệ thành công được đánh giá như sau:
- Clomiphene: Có khoảng 80% nữ giới sau khi sử dụng thuốc sẽ rụng trứng đều trong 3 tháng đầu. Trong số đó, có từ 30 – 40% trường hợp thành công thụ thai vào chu kỳ điều trị lần thứ 3.
- Gonadotropins: Nữ giới sử dụng loại thuốc này nếu giao hợp đúng thời điểm được hướng dẫn sẽ có tỷ lệ mang thai là 15% ở mỗi chu kỳ.
Phương pháp này có ưu điểm là dễ thực hiện và có mức chi phí thấp hơn so với phương pháp khác. Tuy nhiên, một số tác dụng phụ mà nữ giới sẽ có nguy cơ đối mặt như:
- Do thúc đẩy phóng thích nhiều trứng nên tỷ lệ sinh đôi hoặc sinh 3 tăng cao.
- Thuốc có thể gây các tác dụng phụ như đau vùng chậu, nóng bừng cơ thể, tâm trạng thay đổi, căng ngực, phát ban, chướng bụng, buồn nôn,…
Chính vì vậy, nữ giới trong quá trình sử dụng cần tuân thủ đúng theo hướng dẫn của bác sĩ, tránh tự dùng hoặc tăng, giảm liều lượng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe thể trạng.
Phương pháp phẫu thuật
Phẫu thuật là phương pháp thường được áp dụng trong trường hợp hiếm muộn do nguyên nhân như tắc ống dẫn trứng, u xơ, buồng trứng đa nang, lạc nội mạc tử cung. Hiện nay có 2 phương pháp phẫu thuật được bác sĩ áp dụng như sau:
- Phẫu thuật nội soi: Bác sĩ sử dụng các dụng cụ nhỏ cùng máy ảnh mini để đưa qua vết rạch ở bụng. Qua đó, bác sĩ thấy rõ bên trong và thực hiện thủ thuật chính xác.
- Phẫu thuật mở ổ bụng: Bác sĩ sẽ rạch 1 đường lớn tại bụng để có thể quan sát rõ ràng bên trong và tiến thành thao tác phẫu thuật.
Theo thống kê, tỷ lệ thành công của phương pháp này như sau:
- Trường hợp phẫu thuật nội soi trị lạc nội mạc tử cung: Cơ hội mang thai trong 8 – 9 tháng sau phẫu thuật là 40%.
- Trường hợp phẫu thuật mở trị tắc ống dẫn trứng: Cơ hội mang thai từ 20 – 60%.
- Trường hợp phẫu thuật điều trị đa nang buồng trứng: Tỷ lệ mang thai tới 50% sau 1 năm phẫu thuật.
Lưu ý rằng, phương pháp này có sử dụng dao kéo xâm lấn. Vậy nên, các cặp đôi cần lựa chọn bệnh viện, phòng khám uy tín, đáng tin cậy, đảm bảo được thực hiện phẫu thuật bởi đội ngũ bác sĩ uy tín và đội ngũ chuyên gia, bác sĩ giàu kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm lâu năm.
Bơm tinh trùng vào trong buồng tử cung (IUI)
Trong trường hợp sử dụng thuốc không có tác dụng và không thể điều trị phẫu thuật, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện kỹ thuật IUI (Intrauterine insemination)- kỹ thuật bơm tinh trùng vào trong buồng tử cung hay còn được gọi là thụ tinh nhân tạo.
Với phương pháp này, bác sĩ sẽ lấy tinh trùng vừa được xuất ra ngoài lọc rửa và chọn lọc ra những tinh trùng khỏe mạnh nhất để bơm vào buồng trứng của nữ giới trong thời điểm trứng rụng. Nhờ đó, khả năng thụ thai được tăng cao hơn. Những đối tượng nên áp dụng phương pháp IUI gồm:
- Nam giới bị tinh trùng yếu hoặc bị hiếm muộn không xác định rõ nguyên nhân.
- Nữ giới bị lạc nội mạc tử cung mức độ nhẹ, tử cung yếu, ít chất nhầy hoặc có sẹo ở cổ tử cung.
- Nữ giới trong cổ tử cung có kháng thể tinh trùng.
Thông thường, sau khoảng 2 tuần thực hiện sẽ có kết quả. Tỷ lệ thành công của phương pháp này phụ thuộc nhiều vào độ tuổi. Nếu nữ giới dưới 35 tuổi sẽ có tỷ lệ thành công là 16%,từ 35 – 39 tuổi có tỉ lệ 11%, từ 40 – 42 tuổi sẽ khoảng 5% và trên 43 tuổi dưới 1%.
Thụ tinh ống nghiệm (IVF)
IVF (In Vitro Fertilization) là phương pháp hỗ trợ điều trị vô sinh hiếm muộn hiện đại, được nhiều cặp đôi lựa chọn nhờ tỉ lệ thành công cao đến 35 – 50%. Cụ thể, IVF được thực hiện bằng cách cho tinh trùng của nam giới và trứng của nữ giới vào thụ tinh trong ống nghiệm. Tiếp theo nuôi cấy bên ngoài trong 2 – 5 ngày để tạo thành phôi, sau đó đưa lại tử cung của nữ giới. IVF cũng được chia thành nhiều phương pháp nhỏ như:
- IVF cổ điển: Với phương pháp này, trứng sẽ được trộn lẫn với hàng nghìn tinh trùng và đặt trong đĩa chuyên khoa, sau đó đưa vào tủ cấy có môi trường mô phỏng. Sau khi phôi thai được hình thành thì đưa vào tử cung của nữ giới.
- IVF kích thích nhẹ: Trong quá trình thực hiện phương pháp này, bác sĩ sẽ sử dụng chất kích thích (với lượng nhỏ) để kích trứng rụng.
- IVF chu kỳ tự nhiên: Nghĩa là thu thập và thụ tinh trứng trong quá trình rụng tự nhiên, không sử dụng bất cứ biện pháp kích thích nào.
Phương pháp thụ tinh ống nghiệm thường được chỉ định trong trường hợp bị lạc nội mạc tử cung, không có ống dẫn trứng, tắc vòi trứng, tinh trùng bất thường (mức độ nhẹ).
Đưa tinh trùng vào bào tương noãn
Kỹ thuật tiêm tinh trùng vào bên trong bào tương noãn (Intra-Cytoplasmic Sperm Injection – ICSI) có nét tương đồng với phương pháp IVF cổ điển. Tuy nhiên 2 phương pháp này sẽ có sự khác biệt ở giai đoạn trứng được lấy ra để kết hợp với tinh trùng. Cụ thể, sau 2 giờ chọc hút, các tế bào bên ngoài noãn sẽ được tiến hành chọn lọc để lấy những noãn trưởng thành. Sau đó, từng tinh trùng sẽ được tiêm vào lần lượt từng noãn bằng kim ICSI. Phương pháp này mang đến tỉ lệ cao hơn nên được áp dụng phổ biến hơn tại các bệnh viện, phòng khám chuyên khoa điều trị vô sinh, hiếm muộn.
Trưởng thành trứng non
Trưởng thành trứng non IVM (In-Vitro Maturation) là kỹ thuật trong đó noãn sẽ được chọc hút ở giai đoạn còn non và được nuôi dưỡng trong môi trường ống nghiệm. Bởi có không ít trường hợp tế bào noãn được chọc hút nhưng vẫn còn non, chưa trưởng thành để sẵn sàng thụ tinh. Lúc này, trứng non cần được thực hiện IVM để nuôi dưỡng trưởng thành đợi thời điểm thích hợp tiến hành thụ tinh ống nghiệm. Chính vì đặc điểm này mà IVM thường được đưa vào quy trình thụ tinh ống nghiệm IVF tại một số đơn vị bệnh viện, phòng khám.
Trữ lạnh noãn, phôi thai và tinh trùng
Phương pháp thủy tinh hóa có khả năng làm đông noãn, phôi và tinh trùng mà không làm giảm chất lượng của chúng nhờ lưu trữ trong bình nitơ nhiệt độ -196 độ C. Đây là phương pháp được nhiều cặp vợ chồng áp dụng nhằm phục vụ cho quá trình điều trị vô sinh hiếm muộn hoặc muốn bảo tồn khả năng sinh sản của nam giới sau này.
Hỗ trợ phôi thoát màng
Phôi thường được bọc bởi 1 lớp màng trong suốt. Các tế bào cần phải thoát ra khỏi màng này để làm tổ tại niêm mạc tử cung. Kỹ thuật Assisted Hatching (AH) hỗ trợ phôi thai thoát màng bằng cách đục 1 lỗ nhỏ tại mảng trong suốt bằng tia laser. Điều này sẽ giúp khả năng đậu thai được tăng lên đáng kể.
Biện pháp phòng ngừa tốt nhất
Để giảm nguy cơ vô sinh, hiếm muộn, các cặp đôi hoàn toàn có thể chủ động thực hiện biện pháp phòng ngừa thông qua việc thay đổi chế độ sinh hoạt, ăn uống hằng ngày. Cụ thể như sau:
- Bổ sung đầy đủ dưỡng chất
Các bác sĩ sản khoa cho biết, cả nam giới và nữ giới muốn đảm bảo chức năng sinh sản, ngăn ngừa và hỗ trợ điều trị vô sinh, hiếm muộn cần thay đổi chế độ ăn uống hằng ngày.
Đối với nam giới, nên bổ sung thực phẩm chứa nhiều kẽm, vitamin, sắt,… Đây đều là những chất có khả tăng nồng độ testosterone trong cơ thể. Bên cạnh đó, các thực phẩm như thịt đỏ, cá, rau màu xanh sẽ giúp tăng số lượng và chất lượng của “tinh binh”.
Trong khi đó, chị em nên ăn thêm thực phẩm chứa nhiều vitamin và khoáng chất để tăng cường chức năng buồng trứng. Đặc biệt là các thực phẩm như yến mạch, dầu oliu, dầu lạc, cà chua, cà rốt,…
- Tránh chất kích thích và thực phẩm không lành mạnh
Các chất rượu, bia, thuốc lá,… hoặc các thực phẩm có chứa nhiều dầu mỡ, đồ ăn nhanh, đồ ăn tẩm nhiều hương liệu sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng tinh trùng, chất lượng trứng và làm mất cân bằng nội tiết tố trong cơ thể của cả nam giới và nữ giới.
Vậy nên, để hỗ trợ điều trị và phòng ngừa vô sinh hiếm muộn, các cặp đôi cần tránh xa những những thực phẩm này.
- Sống – làm việc tại môi trường trong lành
Môi trường sống và làm việc ô nhiễm, không lành mạnh sẽ làm tăng tỷ lệ vô sinh hiếm muộn. Vậy nên, cần đảm bảo không gian sạch sẽ, thoáng đãng để bảo vệ chức năng sinh sản. Trong trường hợp bắt buộc phải làm việc trong môi trường độc hại cần chủ động có phương pháp bảo vệ sức khỏe tốt nhất.
- Khám định kỳ phụ khoa và nam khoa
Các bác sĩ sản khoa khuyến nghị các cặp đôi nên đi khám phụ khoa – nam khoa định kỳ 6 tháng/lần nhằm chủ động kiểm soát sức khỏe của bản thân và phát hiện sớm các bệnh lý dễ gây vô sinh.
- Không nên nạo phá thai
Nạo phá thai khiến niêm mạc tử cung mỏng dần, điều này sẽ khiến phôi thai khó thể làm tổ phát triển. Đây cũng là nguyên nhân khiến bệnh vô sinh, hiếm muộn ở nữ giới ngày càng gia tăng. Vậy nên, trong trường hợp chưa có ý định mang thai, các cặp đôi cần nghiêm túc sử dụng các biện pháp phòng tránh. Trong trường hợp đã sẵn sàng làm cha mẹ sẽ cần chuẩn bị sẵn sàng mọi khía cạnh về sức khỏe, tài chính để nuôi dưỡng và chăm sóc bé tốt nhất.
Trên đây là tổng hợp thông tin về tình trạng vô sinh hiếm muộn. Hy vọng sẽ giúp cặp đôi hiểu và có biện pháp phòng chống hoặc có phương án chức bệnh kịp thời, phù hợp nhất.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!